• slide image
  • slide image
  • slide image
thoại anh

Tin Tức

Tiên phong xây dựng Việt Nam số hóa

Ngày Đăng : 24/04/2020 - 10:08 AM

Tiên phong xây dựng Việt Nam số hóa

19/03/2020 09:09 SA
20200319-Nam-2.jpg
Nhân viên kỹ thuật VTNet triển khai trạm phát sóng thử nghiệm 5G tại Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh
 
Công nghệ hiện đại nhất, tốc độ triển khai nhanh nhất
 
Câu chuyện chỉ trong vòng 6 tháng, Viettel triển khai thần tốc mạng 4G rộng khắp Việt Nam là minh chứng cho thấy đóng góp và những nỗ lực của VTNet. Tháng 4-2017, mạng 4G Viettel ra đời đã làm “bùng nổ” lần thứ hai thị trường di động, với dịch vụ data. Tính ra, chỉ trong 6 tháng, VTNet đã triển khai mạng 4G liền mạch toàn quốc với 32.240 trạm phát sóng, tương đương số trạm 3G mà Viettel phải xây dựng trong 8 năm và nhiều hơn số trạm 2G phát triển trong 10 năm.
 
Cho đến nay, mạng 4G Viettel vẫn là mạng 4G có chất lượng tốt nhất Việt Nam và tương đương mạng 4G của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Sau thành công đó, mạng 5G đang được Viettel triển khai thử nghiệm. VTNet đã góp phần để Viettel củng cố vị trí số một và có vai trò tiên phong, dẫn dắt về công nghệ tại Việt Nam với mạng 5G, NB-IoT, eSIM, điện toán đám mây... Viettel đã vào danh sách các nhà mạng triển khai 5G đầu tiên trên thế giới, góp phần mở rộng không gian kinh doanh cho tập đoàn và nâng cao giá trị thương hiệu Viettel từ 3,4 tỷ lên 5,8 tỷ USD.
 
Điều đặc biệt là VTNet luôn thể hiện rõ khát vọng làm chủ công nghệ. Đồng chí Phạm Anh Đức, Phó tổng giám đốc VTNet cho rằng, đây là một trong những ưu điểm của VTNet nói riêng cũng như các đơn vị của Viettel nói chung. Việc làm chủ hệ thống quyết định sự thành công của Viettel.
 
Công nghệ NB-IoT cũng là một trong những công nghệ viễn thông hiện đại nhất của thế giới. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Viettel đã triển khai hơn 2.000 trạm phát sóng NB-IoT mà đều là từ 100% công sức nghiên cứu của các kỹ sư VTNet, không phải mua từ nước ngoài. Để có được điều đó, bên cạnh tầm nhìn của lãnh đạo Tập đoàn Viettel là trí tuệ, công sức và sự nhẫn nại, bền lòng cũng đội ngũ kỹ sư VTNet. Kỹ sư Nguyễn Minh Thi, Trung tâm Kỹ thuật Khu vực 3 (thuộc VTNet)-một trong những tác giả của NB-IoT cho hay, nhóm đã phải làm việc cật lực trong nhiều tháng, tính toán và hiệu chỉnh hàng nghìn tham số, cũng nhiều lần thất bại, nhưng không hề nản lòng.
 
Nhờ nỗ lực triển khai của TCT, đến nay, mạng cáp quang của Viettel đã phủ 94% số xã toàn quốc và hoàn thành mục tiêu 100% xã đất liền. TCT tích cực kiên cố mạng lưới, tập trung vào các tỉnh ven biển, vùng núi, không có xã trắng sóng trong điều kiện thiên tai, bão lụt. Sau 5 năm, trung bình chất lượng mạng cải thiện 30%; các chỉ tiêu tốt hơn các nhà mạng khác 40%, vượt so với mục tiêu đã đặt ra là 20-30%. Thời gian qua, thực hiện chủ trương của tập đoàn, VTNet đang chuyển từ hỗ trợ sang trực tiếp vận hành khai thác tập trung cho 10 thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư, với 30.000 trạm phát sóng.
 
Cùng với đó, VTNet cũng đã chủ động chuẩn bị và bảo đảm tốt thông tin liên lạc cho các đợt diễn tập chiến đấu của Bộ Quốc phòng, diễn tập A2 trên các địa bàn và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, như: Hội nghị APEC, Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ, Đại hội XII của Đảng...; duy trì thường xuyên kết nối truyền dẫn, bảo đảm vững chắc, an toàn hệ thống cầu truyền hình của Bộ Quốc phòng và chất lượng mạng khu vực Trường Sa, nhà giàn DK1, khu vực biên giới, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
 
Đáng chú ý là VTNet đạt được những kết quả nêu trên trong thời điểm tập trung chuyển đổi mô hình tổ chức theo hướng linh hoạt, hiệu quả. Để tối ưu hóa lực lượng lao động, quân số của VTNet đã giảm gần 24% so với quân số đầu kỳ. Nhưng nhờ những giải pháp hợp lý về tổ chức, ứng dụng công nghệ mới, tối ưu chất lượng mạng lưới, trả lương theo vị trí, giá trị công việc... nên hiệu quả công việc của VTNet được nâng lên. Năng suất lao động của tổng công ty tăng 10% so với giai đoạn 2010-2015, từ hơn 13,7 tỷ đồng/người/năm vào năm 2015 lên hơn 15,1 tỷ đồng/người/năm vào năm 2019. Thu nhập bình quân từ 31,14 triệu đồng/người/tháng năm 2015 lên 37,66 triệu đồng/người/tháng vào năm 2019, tăng 21% so với giai đoạn 2010-2015. Tối ưu chi phí hằng năm hoàn thành 110%-174% kế hoạch, tổng giá trị tối ưu 5 năm đạt được là 4.750 tỷ đồng.
 
Khát vọng lớn phải bắt đầu từ con người
 
Trong những năm tới, khi thế giới bước vào giai đoạn tăng tốc của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, ở trong nước, Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế số thì nhiệm vụ đặt ra với VTNet càng thêm nặng nề.
 
VTNet đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng số lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam với công nghệ chủ đạo là 4G, 5G, IoT, NG-PON, điện toán đám mây, vùng phủ sâu rộng, chất lượng vượt trội, mạng lưới thông minh và hiệu quả. Mạng di động của Viettel sẽ có vùng phủ 95% dân số, hơn các nhà mạng khác ít nhất 30%; chất lượng dịch vụ theo trải nghiệm khách hàng cải thiện ít nhất 30% và tốt hơn các nhà mạng khác 10-20%. Mạng cố định băng rộng, truyền hình vươn lên vị trí số một, phủ hơn 80% số hộ dân, vượt nhà mạng khác ít nhất 10%; chất lượng dịch vụ theo trải nghiệm khách hàng cải thiện tối thiểu 30% và tốt hơn nhà mạng khác 10-20%. VTNet sẽ nỗ lực trở thành trung tâm dữ liệu điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam; nhà cung cấp dịch vụ quản trị ICT số một Việt Nam và hàng đầu thế giới. TCT quyết tâm tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ QPAN.
 
Để đạt được những mục tiêu đầy thách thức đó, Đảng bộ VTNet xác định phải lãnh đạo xây dựng TCT vững mạnh về chính trị làm cơ sở giữ vững sự ổn định, đoàn kết và phát triển bền vững. Đảng bộ TCT xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp theo tiêu chí “3 trong 1”, có tâm, tầm, trí tuệ, sức khỏe, khát vọng, có trình độ ngoại ngữ giỏi và có khả năng đề ra chiến lược và thực thi chiến lược; là đầu ngành về chuyên môn kỹ thuật, khoa học công nghệ; đồng thời có năng lực tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị. Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Phó bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh: “VTNet là đơn vị được giao trách nhiệm góp phần xây dựng được nền tảng viễn thông, CNTT hiện đại tại Việt Nam, làm cơ sở cho nền kinh tế số. Để hoàn thành được nhiệm vụ của mình, VTNet phải là một tập thể tinh gọn, hiện đại, mang tính toàn cầu, phải có những cán bộ, con người trí tuệ, chuyên môn cao và có khát vọng chinh phục”.
 
Tổ chức của TCT sẽ tiếp tục được tinh gọn, quản lý tập trung. Đẩy nhanh công tác tin học hóa mảng kỹ thuật nghiệp vụ và hoạt động sáng kiến ý tưởng, phấn đấu giá trị làm lợi từ sáng kiến ý tưởng đạt 750 tỷ đồng/nhiệm kỳ, tăng gần 20%. VTNet sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Make in Viettel như 5G, IoT, góp phần nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp viễn thông-CNTT của tập đoàn.
 
Đại hội đại biểu TCT Mạng lưới Viettel lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 là một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của tổng công ty. Thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược, các mục tiêu, giải pháp, cách làm mới được đề ra trong nghị quyết đại hội sẽ là tiền đề cho giai đoạn phát triển bền vững tiếp theo, xây dựng một VTNet tiên phong dẫn dắt tại Việt Nam và mang tầm toàn cầu.
Nguồn: BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG (MIC)
 


Các tin khác